UBND TP HCM vừa trình Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết bến xe miền Đông mới tại phường Long Bình, quận 9, TP HCM và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Với diện tích rộng 160.000 m2, bến xe miền Đông mới sẽ nằm trên địa bàn TP HCM và Bình Dương, đây sẽ là một trong những đầu mối giao thông quan trọng tại phía Đông Bắc của thành phố và là một trong các hạng mục được ưu tiên thực hiện trong chiến lược phát triển giao thông vận tải TP HCM.
Dự án Bến xe miền Đông mới tại Quận 9, TPHCM dự kiến sẽ được khởi công giai đoạn 1 vào đầu năm 2017 và hoàn thành vào năm 2018.
Ngày 16-6, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, thành phố đã chấp thuận phân kỳ đầu tư dự án xây dựng Bến xe miền Đông mới thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga để sớm di dời bến xe miền Đông hiện tại. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục thực hiện các hạng mục còn lại.
Ông Lê Văn Pha, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco – chủ đầu tư dự án), cho biết việc phân kỳ đầu tư để phù hợp với quy mô và đồng bộ với tuyến metro số 1.
Do đã có mặt bằng thi công, hơn nữa nhà ga của bến xe chủ yếu xây dựng bằng khung thép nên tiến độ thi công sẽ nhanh và kịp hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2018.
Theo quy hoạch chi tiết, Bến xe Miền Đông mới gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480 m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Theo tính toán của Samco, tổng vốn đầu tư xây dựng Bến xe Miền Đông mới khoảng 4.000 tỉ đồng.
Trong tương lai, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ kết nối với bến xe để trung chuyển hành khách đi vào khu trung tâm.