Dự án tuyến metro số 3a dự kiến được đầu tư khoảng 62.000 tỉ đồng, được chia thành hai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng đoạn Bến Thành – bến xe miền Tây dài 9,7km với điểm đầu kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 tại nhà ga Bến Thành, quận 1 và điểm cuối tại bến xe miền Tây. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng đoạn bến xe miền Tây – Tân Kiên dài 10,1 km.
Khi hoàn thành, tuyến metro số 3a sẽ kết nối với tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) để tạo thành tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm nối bến xe Suối Tiên với trung tâm thành phố (ga Bến Thành) để đến bến xe miền Tây.
Việc phát triển khu vực nhà ga dọc tuyến metro số 3a (Bến Thành – Tân Kiên) đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM họp tham vấn vào tháng 11 vừa qua. Theo đó, nghiên cứu đề xuất phát triển khu vực nhà ga dọc tuyến đường sắt đô thị số 3a nằm trong khuôn khổ nghiên cứu khảo sát chuẩn bị xây dựng tuyến số 3a do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Tham dự buổi họp có sự hiện diện của JICA.
Nhóm nghiên cứu của JICA (JST) đã dựa trên nghiên cứu thực địa và đưa ra đề xuất phát triển dọc tuyến metro số 3a thành 4 cụm khu vực: cụm khu vực trung tâm thành phố, cụm xây dựng hỗn hợp, cụm ven đô thị, và cụm ngoại ô (giai đoạn 2). Đồng thời JST và Ban cố vấn cũng đề xuất định hướng phát triển cụ thể tại ga C1 (chợ Thái Bình), ga C2 (ngã 6 Cộng Hòa) và ga C4 (Đại học Y Dược); cũng như đề xuất một số chính sách liên quan nhằm phát triển hiệu quả các khu vực đầu mối giao thông công cộng.
Nhằm đảm bảo đồng bộ trong việc phát triển khu vực đầu mối giao thông công cộng, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã đề nghị JST xem xét nghiên cứu kéo dài thêm phần tích hợp không gian thương mại ngầm tại khu vực chợ Bến Thành về tuyến số 3a và cập nhật các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng tại khu vực các nhà ga dọc tuyến số 3a.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TP.HCM sẽ có 8 tuyến metro. Trong đó, tuyến số 1 là Bến Thành – Suối Tiên dài gần 20km, dự kiến kéo dài đến Bình Dương và Đồng Nai.
Tuyến số 2: Thủ Thiêm – Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 48km nhưng sẽ làm trước đoạn Bến Thành – Tham Lương. Tuyến 3A: Bến Thành – Tân Kiên dài khoảng 20 km. Tuyến 3B: ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước dài hơn 12km.
Tuyến số 4A: cầu Bến Cát – Khu đô thị Hiệp Phước dài 36km. Tuyến 4B: ga Công viên Gia Định – ga Lăng Cha Cả dài 5,2km. Tuyến số 5: cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc dài khoảng 17km. Tuyến số 6: Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm dài hơn 6km.
Ngoài ra, TP.HCM còn có 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray. Hiện tại, tuyến metro số 1 đang được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Lần này, TP HCM mong muốn nhận được sự hỗ trợ trên các phương diện sau:
– Tài trợ dự án kỹ thuật giai đoạn 2 cho việc nghiên cứu vận hành tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên. Hỗ trợ nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2 từ bến xe Miền Tây đi Tân Kiên và tuyến số 3b từ ngã Sáu Cộng Hòa đi Hiệp Bình Phước.
– Tài trợ nghiên cứu trước dự án kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên đi tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Hỗ trợ giới thiệu các dự án đường sắt đô thị TP.HCM đến các công ty Nhật Bản để khuyến khích tham gia các gói thầu của dự án và mở rộng cơ hội phát triển hợp tác công tư.
– Hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án huấn luyện, đào tạo và chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm cho các Trung tâm vận hành metro cũng như Trung tâm Quản lý vận hành đường hầm sông Sài Gòn để khai thác hiệu quả, an toàn cho người dân và chất lượng tuổi thọ công trình.
Nguyen Thu