Với sự đổ bộ của những doanh nghiệp địa ốc lớn, thị trường bất động sản Ninh Thuận bắt đầu nhộp nhịp và sôi động. Theo nhận định của giới đầu tư, quỹ đất nền ven biển sẽ là dòng sản phẩm hút nguồn tiền mạnh nhất trong những năm tới.Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, qua 2 năm (2018-2019) triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, địa phương đã thu hút được 21 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký 12.998,4 tỷ đồng, nâng tổng số dự án du lịch, dịch vụ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ trước đến nay là 52 dự án, với tổng vốn đầu tư 23.082,2 tỷ đồng.
Trong đó, có 2 dự án du lịch đã hoàn thành đưa vào hoạt động, nâng tổng sổ dự án đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 18 dự án. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án du lịch nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch với tổng vốn hơn 5.550 tỷ đồng.
Đó là dự án Tổ hợp khách sạn khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower tại phường Mỹ Hải (TP. Phan Rang – Tháp Chàm) do CTCP Đầu tư Quốc tế Dubai làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.009 tỷ đồng. Dự án thứ hai là Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận của Công ty TNHH Đầu tư – Phát triển Royal Ninh Thuận tại xã Phước Diên (Thuận Nam) với vốn đăng ký đầu tư là 2.000 tỷ đồng. Thứ ba là dự án Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực do CTCP Du lịch Quốc tế Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư 550 tỷ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đồng ý phương án quy hoạch kiến trúc tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh công viên Bình Sơn và tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3600 phòng với khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ. Cả hai dự án do Tập đoàn Crystal Bay đầu tư.
Thời gian qua ngày càng có nhiều nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế tìm đến Ninh Thuận đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Minh chứng sống động nhất, trong năm 2018, nhiều "ông lớn" trong các lĩnh vực bất động sản, du lịch và nghỉ dưỡng đến Ninh Thuận khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch như Công ty CP Vinpearl, Công ty CP T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Tập đoàn FLC…
UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết bên cạnh việc phát triển năng lượng sạch, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong nhiều năm tới. Với mục tiêu này, Ninh Thuận đã đưa ra chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong khung cao nhất cả nước nhằm thu hút đầu tư. Để đẩy mạnh du lịch cao cấp, Ninh Thuận còn có chính sách ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế… theo hướng xanh và bền vững.
Bên cạnh những lợi thế sẵn có và những chính sách ưu đãi nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng kết nối vùng và các địa phương trong khu vực của Ninh Thuận cũng đã cơ bản hoàn thiện. Chẳng hạn, sau khi Sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế tháng 12/2009, Ninh Thuận đã triển khai dự án đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná. Ngoài ra, dự án nâng cấp đường Quốc lộ 1 kết nối từ Sân bay Cam Ranh đến TP. Phan Rang – Tháp Chàm cũng đang được triển khai.