TPHCM cần thành lập trung tâm thông tin thị trường BĐS để làm đầu mối quản lý và khai thác dữ liệu, thiết lập cơ sở dữ liệu đất đai, dự án, nhà ở, công trình. Qua đó, sẽ xây dựng và công bố chỉ số đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) nhằm cung cấp thông tin chính thống cho thị trường.
Đây là một trong những giải pháp phát triển thị trường BĐS thành phố được đưa ra trong buổi họp ngày 13-10 về góp ý Đề án phát triển thị trường BĐS TPHCM giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng về đề án này, định hướng để phát triển thị trường BĐS TPHCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ ban hành hoặc đề xuất với Quốc hội đưa vào hệ thống luật các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Mục tiêu của đề án là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ; phát triển đô thị đa trung tâm nhằm kết nối các đô thị vành đai và đô thị hạt nhân; phát triển đa dạng các loại hình bất động sản, đẩy mạnh phân khúc nhà chung cư (với mục tiêu 30% nhà ở mới hàng năm thuộc phân khúc này) và khuyến khích xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Phát biểu tại cuộc họp, TS Trần Du Lịch – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM – đánh giá, mặc dù đề án được làm rất công phu, dày đến 454 trang nhưng mô tả quá nhiều, mà không có phân tích gì về thị trường.
“Nếu mục tiêu chung nhất của đề án là chỉ để phục vụ quản lý nhà nước, thì tôi nghĩ không cần phải công phu như thế. Theo tôi, mục tiêu lớn nhất của đề án này là phải làm sao lành mạnh hóa phát triển thị trường bất động sản. Phân tích được nó không lành mạnh chỗ nào, và phải phát triển như thế nào. Trong việc lành mạnh hóa phát triển thị trường này, cần làm rõ chức năng, vai trò của Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, phải làm gì, ở đâu, góp phần như thế nào để lành mạnh hóa thị trường”, ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, thị trường bất động sản của TPHCM hoàn toàn không giống các thị trường khác, đặc biệt là nó tập trung hơn, bởi vì nó bị ức chế bởi nhiều yếu tố, trong đó có hệ thống luật pháp, gồm luật đất đai, luật quy hoạch đô thị, luật xây dựng, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản… trực tiếp chi phối. Những luật này hiện nay đang có “xung đột”. “Chúng ta phải phân tích cho được những quy định của pháp luật hiện nay còn chồng chéo, cản trở, khó khăn chỗ nào để kiến nghị cụ thể với Trung ương”, ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, hiện thị trường BĐS đang bị chi phối rất lớn bởi hệ thống pháp luật, gồm Luật đất đai, Luật quy hoạch đô thị, Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… Những luật này hiện nay đang có “xung đột”, gây ức chế thị trường.
Ông Lịch cũng kiến nghị đề án phải tập trung chấn chỉnh ngay thị trường sơ cấp bởi nếu buông thị trường này thì sẽ mất kiểm soát bất động sản.
“Không có chính quyền nào giao đất cho doanh nghiệp mà không có đường đi, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Hiện doanh nghiệp được giao đất rồi ngồi chờ Nhà nước làm đường, để tăng giá bán đất lên. Chúng ta đang làm một quy trình ngược”, ông Lịch nói và ví von "thị trường BĐS toàn nhà ở cao cấp giống như một chiếc máy bay toàn hạng thương gia mà không có hạng phổ thông".
Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, đề án khi được ban hành phải có sức sống, sát thực tế, có tính khả thi cao và tác động ngay vào thị trường BĐS. Ông Khoa đồng tình với đề xuất thành lập Trung tâm Thông tin thị trường BĐS và cân nhắc việc đặt trung tâm này tại Sở Xây dựng hay Viện nghiên cứu phát triển TPHCM.