giá nhà đất

Sự chênh lệch giá nhà đất khi Nhà nước áp thuế

Đăng tải bởi Trúc Linh, Thứ Tư 31/10/2018

Cục Thuế TP.HCM vừa kiến nghị tăng giá nhà đất do UBND TP ban hành lên gấp 2 lần để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và lệ phí trước bạ trong chuyển đổi quyền sử dụng đất. Thực tế giá đất trên thị trường thời gian qua đã tăng nhiều, việc điều chỉnh tăng giá cũng hợp lý. Tuy nhiên, cần phải thực hiện sao cho không tăng gánh nặng cho người đóng thuế.

giá nhà đất

Sự chênh lệch giá nhà đất khi Nhà nước áp thuế

Theo Cục Thuế TP.HCM, giá trị mua bán nhà đất bình quân trên thị trường hiện cao gấp 4-6 lần so với giá nhà, đất do UBND TP quy định. Nhiều trường hợp kê khai giá chuyển nhượng nhà đất quá thấp, thậm chí có nhiều hợp đồng chuyển nhượng nhà đất kê khai giá mua bán thấp hơn mức quy định. Do đó, Cục Thuế kiến nghị UBND TP.HCM tăng giá đất để tăng số thu thuế TNCN, phí về giao dịch nhà đất tại TP hơn 2.000 tỉ đồng/năm.

Thực tế cho thấy khi người dân kê khai giá trị chuyển nhượng nhà đất quá thấp thì ngành thuế lấy giá đất do nhà nước quy định cộng với giá trị hình thành tài sản trên đất đó để xác định giá trị chuyển nhượng, làm cơ sở tính thuế, lệ phí trước bạ. Theo đó, hầu hết người bán căn nhà thứ 2 trở lên nộp thuế TNCN 2% (riêng người bán chỉ có căn nhà duy nhất không nộp thuế TNCN). Còn người mua nhà đất nộp lệ phí trước bạ 0,5%.

Như vậy, khi giá đất do nhà nước quy định tăng thì giá trị chuyển nhượng tăng, kéo số thuế TNCN đối với người bán căn nhà thứ 2 tăng, đồng thời người mua nhà cũng bị tăng thêm lệ phí trước bạ. Đơn cử, nhà nước hiện áp giá 100 triệu đồng/m2 đối với đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP.HCM. 

Theo đó, người mua nhà nộp lệ phí trước bạ 500.000 đồng/m2 (0,5%). Nhưng trong thời gian tới, nếu được điều chỉnh, giá đất trên con đường này sẽ tăng lên 200 triệu đồng, tức lệ phí trước bạ sẽ tăng 1 triệu đồng/m2.

Theo ông Lê Văn Thông (quận Tân Bình, TP.HCM), người chuyên mua bán nhà đất, khi giá đất của nhà nước tăng làm tăng thêm thuế TNCN thì người kinh doanh chuyển chi phí này vào giá bán, cộng với lệ phí trước bạ tăng làm cho giá bất động sản tăng lên. Vì thế, người mua nhà để ở sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Luật sư – tiến sĩ Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng cơ quan thuế đưa ra lý do người dân kê khai giá mua bán thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần làm thất thu thuế, phí để tăng giá đất là không thuyết phục. Bởi lẽ, khi người dân chuyển nhượng BĐS, cơ quan thuế đã có đầy đủ cơ sở tính thuế, phí giá đất do nhà nước quy định. 

Còn trường hợp người dân kê khai giá mua bán nhà đất theo giá thị trường (thường cao hơn mức do cơ quan thuế đưa ra) thì cơ quan thuế căn cứ vào mức giá này để tính thuế TNCN, lệ phí trước bạ.

Xem thêm: http://real24h.net/thi-truong-bat-dong-san

"Như thế, việc tăng giá đất không phải là một biện pháp chống thất thu mà để tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM. Giá đất do nhà nước quy định cần tăng sát với giá thị trường để việc tính thuế, phí, đền bù giải tỏa… phù hợp với thực tiễn" – ông Tín nhận định. Thế nhưng, nếu giá đất do nhà nước quy định ngang bằng giá thị trường thì thuế và phí sẽ tăng lên rất nhiều, làm cho nhà đất tăng giá đột biến. Người mua nhà để ở sẽ gặp khó khăn.

Cùng quan điểm, một cán bộ ở huyện Củ Chi, TP.HCM cho rằng việc tăng giá đất ảnh hưởng trực tiếp đến người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở. Việc tăng giá đất không ảnh hưởng đến "cò nhà đất", người mua đi bán lại – những đối tượng cần đánh thuế.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, việc tăng giá đất trong thời điểm này là cần thiết nhưng mức độ tăng cần tính toán hợp lý. Ông Hồng cho rằng hiện tiền bồi thường thu hồi đất rất cao và có sự chênh lệch giữa giá đất của nhà nước công bố với giá thị trường nên phải cân đối lại.

Trong khi đó, Sở Tài chính TP.HCM cũng vừa đưa ra dự thảo về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2019 trên địa bàn TP để có cơ sở xây dựng hệ số K và được áp dụng đầu năm 2019.

Theo Tin Tổng Hợp

Bài viết ngẫu nhiên